top of page

Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay

Trên thực tế, xuất phát từ việc bản thân người khuyết tật bị hạn chế trong việc truyền tải nhu cầu, mong muốn của mình tới cộng đồng, xã hội, cũng như những cơ quan hoạch định chính sách, pháp luật, nên các quy định Nhà nước đưa ra thường dựa trên cơ sở suy đoán về mức độ suy giảm sức khỏe của họ. Những suy đoán đó đa phần chứa đựng yếu tố chủ quan nên nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu, không phù hợp với khả năng và chưa thực sự tạo điều kiện cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, họ là đối tượng phải chịu những khó khăn rất lớn về mặt vật chất và tinh thần, đồng thời, tình trạng khuyết tật khiến họ đã và đang phải chịu những thiệt thòi trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội mặc dù xét ở góc độ con người, tất cả sinh ra đều có những nhu cầu cơ bản giống nhau về sự tự do, bình đẳng, được tôn trọng phẩm giá, được cống hiến, được khẳng định giá trị cá nhân... Đặc biệt, với những trẻ em khuyết tật, thì những khó khăn còn tăng lên đáng kể. Bởi trước hết, trẻ em nói chung vốn là đối tượng cần sự quan tâm, chăm sóc, được tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, với những trẻ em mang trong mình nhiều thiệt thòi từ khi sinh ra như: dị tật bẩm sinh; vĩnh viễn không nghe được âm thanh của cuộc sống; không được trò chuyện như các bạn cùng trang lứa; hay không cảm nhận thấy ánh sáng của cuộc đời... thì việc tiếp cận những gì tốt đẹp nhất dường như quá xa vời. Phải sống trong sự kì thị, phân biệt đối xử của mọi người xung quanh, kết hợp với mặc cảm tự ti về bản thân mình, khiến nhiều trẻ em khuyết tật không dám đến các nơi công cộng vì sợ những ánh mắt để ý; không dám đến trường vì sợ bạn bè trêu chọc... Bên cạnh đó, một thực tế chỉ ra rằng, đa số trẻ em khuyết tật đều sống trong nghèo khó; và dễ bị bạo hành hoặc lạm dụng; bị đối xử vô trách nhiệm, ngược đãi hay bóc lột; trong khi đó, việc tiếp cận với sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp lại gặp nhiều trở ngại vì những lý do khách quan và chủ quan. Có thể thấy, trẻ em khuyết tật thực sự phải trải qua nhiều khó khăn, phải đối mặt với nhiều rào cản để được hưởng trọn vẹn những quyền vốn có của mình. Rào cản này không chỉ nằm ở bản thân của sự khuyết tật, mà còn là tổng hợp những trở ngại về mặt xã hội, văn hóa, quan điểm và cả về vật chất mà trẻ em khuyết tật phải đối mặt trong đời sống hàng ngày. Chính vì những lý do trên, mà tác giả đã chọn chủ đề “Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay” làm đề tài luận văn thạc sỹ của mình. Với cách tiếp cận thông qua lăng kính nhân quyền, luận văn mong muốn góp phần tích cực vào việc đề xuất những ý kiến, giải pháp trong hoạch định và thực thi chính sách pháp luật về quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam. Đồng thời qua đó, nâng cao hiểu biết, thái độ cảm thông đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.

Trích: "Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay"

- Luận văn Thạc sĩ Luật học - Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội


Tác giả: Trần Thị Huyền Trang

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Chu Hồng Thanh

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:



0 lượt xem0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page