Bên cạnh yêu cầu của người dân trong bảo vệ sức khoẻ, Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ "tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ đưa ra đòi hỏi gắt gao các quốc gia phải xây dựng chế độ bảo hộ quyền SHTT có hiệu quả, trong đó có đối tượng là các sản phẩm trong lĩnh vực dược phẩm y tế. Bảo hộ quyền SHTT đối với nhóm đối tượng là các sản phẩm trong lĩnh vực dược phẩm cũng như nông hóa phẩm với những đặc thù riêng và sự bảo hộ cao hơn luôn là một trong những cuộc tranh luận gay gắt nhất trong các cuộc đàm phán đa phương về SHTT trên toàn thế giới và đến nay vẫn chưa đến hồi kết. Thiết lập chế độ bảo hộ mạnh mẽ cho các đối tượng trong lĩnh vực dược phẩm y tế là một bước quan trọng để đưa Việt Nam tiến sâu vào vòng xoay hội nhập. Tuy
nhiên điều đó dường như lại vô hình chung đẩy đại bộ phận người dân Việt Nam với mức thu nhập trung bình và thấp ra xa hơn khả năng được tiếp cận các tiến bộ khoa học y dược để phòng và chữa bệnh, đặc biệt là những bệnh nan y. Trên bàn cân lợi ích giữa một bên là đòi hỏi khách quan của tiến trình hội nhập và điều kiện để chuyển giao công nghệ với một bên là nhu cầu thiết yếu của đại bộ phận người dân trong việc tiếp cận để đáp ứng nhu cầu về sức khỏe, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền SHTT đối với sáng chế liên quan đến dược phẩm như thế nào và hiện thực hóa hệ thống đó trên thực tế bằng các biện pháp thực thi ra sao? Thực sự quan tâm đến vấn đề này, tác giả đã lựa chọn đề tài để xây dựng luận án báo cáo kết quả chương trình nghiên cứu sinh của mình là: “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế liên quan đến dược phẩm tại Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.”
Trích: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế liên quan đến dược phẩm tại Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội
Tác giả: Lê Thị Bích Thuỷ
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Hoàng Phước Hiệp - TS. Trần Minh Ngọc
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments