Bảo vệ quyền của người lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNCVĐTNN), tình trạng vi phạm pháp luật về lao động vẫn còn xảy ra tại một số DNCVĐTNN như: hợp đồng lao động giao kết không đúng loại; không nộp bảo hiểm xã hội hoặc nộp chậm; không đăng ký nội quy lao động; thiếu hệ thống biển báo; chỉ dẫn về an toàn lao động cho người lao động; kéo dài thời gian làm thêm, thời gian thử việc; sử dụng lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động; chưa báo cáo định kỳ về tai nạn lao động, bảo hộ lao động với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội... Việc vi phạm pháp luật về lao động tại một số DNCVĐTNN là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa người sử dụng lao động và người lao động làm cho quan hệ lao động trong doanh nghiệp không còn giữ được sự hài hòa, ổn định. Nhiều vụ việc tranh chấp lao động xảy ra, các cuộc đình công của người lao động mà nguyên nhân bắt nguồn từ quan hệ lao động chưa tốt. Tình trạng đó làm thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là của người lao động chưa được đảm bảo, tính nghiêm minh của pháp luật chưa được tôn trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình trật tự, an ninh xã hội và môi trường đầu tư ở Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của các nhà đầu tư nước ngoài. Thực trạng trên cho thấy, việc bảo vệ quyền của người lao động tại DNCVĐTNN là vấn đề cần được quan tâm thỏa đáng nhiều hơn nữa của các cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền, việc hoàn thiện môi trường pháp luật là cần thiết nhằm vừa đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động vừa tiếp tục khuyến khích các DNCVĐTNN sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế đất nước. Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền của người lao động làm việc tại DNCVĐTNN thực sự cần thiết trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Xuất phát từ nhận thức trên đây, tôi chọn đề tài “Bảo vệ quyền của người lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo pháp luật Việt Nam hiện hành” làm Luận án Tiến sĩ Luật học của mình.
Trích: Bảo vệ quyền của người lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo pháp luật Việt Nam hiện hành
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Học viện Khoa học xã hội -
Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tác giả: Trần Nguyên Cường
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Lê Thị Hoài Thu
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại: