Trong những năm gần đây, việc áp dụng biện pháp bắt người ngày càng được chấn chỉnh, đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của quá trình TTHS. Việc áp dụng biện pháp bắt người nhìn chung đã đảm bảo được các quy định của pháp luật TTHS về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp bắt người vẫn có những tồn tại, hạn chế và vi phạm nhất định, như: tình trạng lạm dụng biện pháp bắt người còn kéo dài, gây bất bình trong dư luận xã hội; có lúc, có nơi, một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm về thủ tục áp dụng biện pháp bắt người... Theo Thống kê của Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin - VKS nhân dân tối cao, từ năm 2008 đến hết năm 2017, VKS các cấp đã không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với 1.162 đối tượng, (chiếm tỷ lệ là 0,62% trong tổng số đối tượng bị bắt khẩn cấp), trong đó có 400 đối tượng mặc dù có sự phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp của VKS nhưng sau đó phải trả tự do không xử lý hình sự (chiếm tỷ lệ 0,21% trong tổng số đối tượng bị bắt khẩn cấp); hay số đối tượng bị bắt phạm tội quả tang sau đó trả tự do và chuyển xử lý hành chính là 29.472 đối tượng (chiếm tỷ lệ 7,42% trong tổng số đối tượng bị bắt quả tang)... Điều này đã gây ra những hậu quả tiêu cực, như: xâm phạm nghiêm trọng nguyên tắc pháp chế XHCN; trực tiếp xâm phạm đến các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nói chung và người bị bắt nói riêng; đồng thời làm giảm uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng... Những tồn tại, thiếu sót và vi phạm nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến việc vận dụng không đúng các quy định của pháp luật TTHS về biện pháp bắt người; những sơ hở, thiếu sót trong chính các quy định của pháp luật TTHS về biện pháp bắt người; trình độ pháp luật, nghiệp vụ của một số cán bộ áp dụng còn hạn chế; sự thiếu trách nhiệm và sa sút về đạo đức nghề nghiệp của không ít cán bộ áp dụng biện pháp bắt người... Về biện pháp bắt người, cho đến nay cũng đã có nhiều công trình trong và ngoài nước nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu này đã tiếp cận, nghiên cứu từ nhiều phương diện khác nhau, làm rõ nhiều vấn đề lý luận, pháp luật thực định và thực trạng áp dụng biện pháp bắt người ở các khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên do khác nhau về phương pháp tiếp cận, về giới hạn địa bàn nghiên cứu, về thời gian và phạm vi khảo sát cho nên nhiều vấn đề có liên quan đến biện pháp bắt người còn chưa được đề cập, nghiên cứu tới. Như vậy, hiện nay vẫn cần một công trình nghiên cứu chuyên biệt về biện pháp bắt người trong pháp luật TTHS Việt Nam. Chính vì vậy, việc tác giả lựa chọn đề tài “Biện pháp bắt người trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam” làm luận án tiến sĩ là toàn cấp thiết trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.
Trích: "Biện pháp bắt người trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam"
Học viện Khoa học xã hội - Luận án Tiến sĩ Luật học
Tác giả: Ngô Văn Vịnh
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Hồ Trọng Ngũ
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comentarios