Phòng ngừa hành chính là biện pháp được sử dụng phổ biến trong quản lý hành chính nhà nước ở mọi quốc gia. Theo quy định pháp luật Việt Nam, phòng ngừa hành chính là biện pháp do các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền áp dụng để ngăn ngừa những vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước cũng như bảo đảm an toàn xã hội trong các trường hợp khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh.... Tính chất cưỡng chế của các biện pháp phòng ngừa hành chính thể hiện ở chỗ: việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa không cần sự đồng ý của cá nhân, công dân, tổ chức và quyết định áp dụng các biện pháp phòng ngừa phải được chấp hành vô điều kiện. Trong quá trình thực hiện biện pháp phòng ngừa hành chính cho thấy luôn chứa đựng nguy cơ xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, cơ quan, tổ chức từ phía các chủ thể có thẩm quyền. Thực tiễn không ít trường hợp cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính không đúng quy định pháp luật (vì bản chất của biện pháp phòng ngừa hành chính là không cần sự đồng ý của công dân, tổ chức và quyết định phòng ngừa phải được chấp hành vô điều kiện), dẫn đến xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Ngược lại, từ phía đối tượng quản lý có nhiều trường hợp coi nhẹ các biện pháp này dẫn đến pháp luật không được thực hiện nghiêm chỉnh. Mặc dù hoạt động áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính diễn ra nhiều, thường xuyên nhưng ít ai để ý và nhận thức đầy đủ về bản chất, vai trò của nó. Điều đó làm cho pháp luật không được tôn trọng, nhà nước không hoàn thành vai trò của mình trong quản lý nhà nước khi sử dụng pháp luật là phương tiện quản lý. Ngoài ra, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, vi phạm pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước càng gia tăng, vai trò của biện pháp phòng ngừa hành chính lại càng được thể hiện rõ nét hơn. Do đó, nhu cầu điều chỉnh, áp dụng tăng lên của các biện pháp này là lẽ đương nhiên. Nhưng cần phải có một giới hạn rõ ràng cụ thể để áp dụng nhóm biện pháp này trong thực tiễn, tránh tình trạng lạm quyền, lộng quyền của các nhà chức trách, đồng thời bảo vệ được quyền công dân, quyền con người, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Xuất phát từ thực tiễn đó, việc chọn đề tài “Biện pháp phòng ngừa hành chính theo pháp luật Việt Nam” làm đề tài luận án tiến sĩ, chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính sẽ đáp ứng phần nào đòi hỏi cấp thiết nêu trên.
Trích: Biện pháp phòng ngừa hành chính theo pháp luật Việt Nam
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Học viện Khoa học xã hội -
Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngọc
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Phạm Hồng Thái
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comentarios