top of page
Đào Lệ Thu

Các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự Việt Nam trong sự so sánh với luật hình sự Thụy Điển và Úc

Tại Việt Nam, những năm gần đây các tội phạm về chức vụ cũng đang có những diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, Nhà nước Việt Nam đã có những động thái thể hiện rõ quyết tâm chống tham nhũng như: ngày 10 tháng 12 năm 2003 kí Công ước chống tham nhũng của LHQ; ngày 28 tháng 11 năm 2005 ban hành Luật phòng, chống tham nhũng với những nguyên tắc xử lý tham nhũng đã được ghi nhận tại Điều 4 như: kịp thời, nghiêm minh, theo quy định của pháp luật... Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Quyết định số30/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Mục tiêu của Chương trình là: khắc phục và đẩy lùi tình trạng tham nhũng đang diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cán bộ, công chức và mỗi công dân về công tác phòng, chống tham nhũng. Đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức cũng như những hành vi tiếp tay cho tiêu cực là điều kiện tiên quyết để duy trì sự trong sạch, vững mạnh của bộ máy nhà nước. Để bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ

chức, Nhà nước Việt Nam kết hợp nhiều biện pháp khác nhau và đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của biện pháp TNHS đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội liên quan đến lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Trong số những tội phạm về chức vụ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, các tội phạm về hối lộ hết sức được chú ý. Thời gian gần đây, loại tội phạm này diễn biến khá phức tạp. Một loạt vụ án về hối lộ hết sức nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian vừa qua liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như thương mại, xây dựng cơ bản, thể thao, bảo vệ pháp luật.

Bên cạnh đó, hành vi hối lộ giờ đây đã len lỏi vào cả những lĩnh vực vốn được xem là cao quý như giáo dục đào tạo, y tế. Thủ đoạn phạm tội về hối lộ cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Tội phạm về hối lộ đang làm biến chất một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước, khiến nhiều người trong số họ thay đổi ý thức, quan niệm về việc thực thi công vụ. Mặt khác, thực tế thời gian vừa qua cho thấy loại tội phạm này đồng thời tạo điều kiện hoặc cơ hội cho việc thực hiện nhiều tội phạm khác như buôn lậu, mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc hoặc dẫn đến nhiều tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Trong khi đó, hoạt động áp dụng luật hình sự đấu tranh với các loại tội phạm này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và còn dừng lại ở những kết quả khá khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho hoạt động xử lý tội phạm về hối lộ là do sự thiếu rõ ràng hoặc thiếu hợp lý trong quy định của luật hình sự hiện hành về các tội phạm này. Chính vì vậy, làm sáng tỏ

cũng như hoàn thiện quy định của luật hình sự về các tội phạm về hối lộ sẽ là một hoạt động thiết thực góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống các tội phạm này. Với mong muốn góp phần vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng và hối lộ, tác giả thực hiện nghiên cứu này nhằm giải quyết những vấn đề về các tội phạm hối lộ từ góc độ luật hình sự. Đề tài “Các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự Việt Nam trong sự so sánh với luật hình sự Thụy Điển và Ôt-xtrây-lia” cần thiết được nghiên cứu.


Trích: Các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự Việt Nam trong sự so sánh với luật hình sự Thụy Điển và Australia

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội


Tác giả: Đào Lệ Thu

Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Nguyễn Ngọc Hoà - GS. TS Per Ole Träskman

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page