Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song chức năng giám sát của Ủy ban Tư pháp cũng còn có những tồn tại, hạn chế. Phạm vi lĩnh vực giám sát còn rộng so với năng lực thực tiễn của Ủy ban; việc thực hiện các nội dung giám sát mới chủ yếu tập trung vào giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tư pháp, cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan mà chưa chú trọng đến công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số nội dung giám sát còn chưa đạt hiệu quả cao như giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Các phương thức giám sát còn chưa được kết hợp sử dụng đồng bộ, hợp lý; việc tổ chức giám sát chuyên đề, nghe giải trình còn ít, nặng về thu thập thông tin mà thiếu chiều sâu, dàn trải; việc thẩm tra còn chủ yếu dựa vào báo cáo của các cơ quan hữu quan; ít phát hiện được những vướng mắc, tồn tại lớn trong hoạt động tư pháp, phòng, chống tham nhũng. Nhiều yêu cầu, kiến nghị sau giám sát còn chung chung, thiếu chỉ tiêu, yêu cầu và địa chỉ cụ thể nên các cơ quan, tổ chức, cá nhân khó tiếp thu, thực hiện và bản thân Ủy ban Tư pháp khó theo dõi, giám sát... Việc theo dõi, giám sát việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị còn chưa thường xuyên, chưa bám sát tình hình và kết quả tiếp thu, thực hiện của cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan. Những tồn tại, hạn chế nêu trên do: lý luận về chức năng giám sát của Ủy ban Tư pháp còn có những vấn đề chưa được nghiên cứu, làm sáng tỏ; nhận thức về vai trò thực tiễn của việc thực hiện chức năng giám sát của Ủy ban Tư pháp còn chưa đầy đủ... nên trong triển khai thực hiện còn lúng túng. Cùng với yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội thì rất cần thiết phải nghiên cứu toàn diện, có hệ thống lý luận và thực tiễn về chức năng giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam để có những giải pháp phù hợp, góp phần hoàn thiện chức năng giám sát của Ủy ban Tư pháp trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đó là lý do của việc chọn và nghiên cứu đề tài “Chức năng giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam hiện nay”.
Trích: Chức năng giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam hiện nay
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội
Tác giả: Cao Mạnh Linh
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments