Nghiên cứu cho thấy, chuyển đổi hình thức công ty không phải là vấn đề mới, nhưng ở Việt Nam hiện nay vấn đề này chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đầy đủ về mặt lý luận và thực tiễn. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về chuyển đổi hình thức công ty chưa đầy đủ, chưa phản ánh được bản chất kinh tế và vai trò của chuyển đổi hình thức công ty. Dẫn chứng cụ thể cho nhận định này chính là quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Luật này chỉ xác định hai trường hợp chuyển đổi hình thức công ty - đó là chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần và ngược lại (Điều 154); và chuyển đổi công ty trách nhiệm một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên (Điều 155). Các quy định về điều kiện chuyển đổi, các chế tài về vi phạm thủ tục, điều kiện chuyển đổi còn bị bỏ ngỏ. Các quy định về thủ tục chuyển đổi tạo ra rào cản lớn cho các nhà đầu tư muốn thực hiện việc chuyển đổi công ty. Ở giác độ khác, có thể nói các bất cập của pháp luật về chuyển đổi hình thức công ty có thể gây khó khăn cho việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh và lợi ích chính đáng của các công ty. Trong khi đó pháp luật của các nước khác cho phép chuyển đổi hình thức công ty khá rộng rãi và linh động, thậm chí có thể chuyển đổi từ các hình thức công ty có trách nhiệm vô hạn sang các hình thức công ty có trách nhiệm hữu hạn và ngược lại, mà vẫn đảm bảo được các giá trị cần bảo vệ. Nhận thức rằng, việc nghiên cứu về chuyển đổi hình thức công ty có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao nhận thực và ứng dụng thực tiễn để từng bước mở rộng và bảo hộ quyền tự do kinh doanh, tăng cường năng lực gia nhập thị trường của các Công ty, đặc biệt là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay. Quy định về vấn đề chuyển đổi hình thức công ty có vị trí, vai trò quan trọng trong pháp luật công ty. Chuyển đổi hình thức công ty phù hợp góp phần quyết định sự thành công hay thất bại của các nhà đầu tư. Tuy nhiên cho đến nay trong khoa học pháp lý vấn đề này vẫn chưa được nghiên cứu nhiều và chuyên sâu ở nước ta. Do vậy, để tiếp thu có sàng lọc những thành tựu hiện có, để góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn về chuyển đổi hình thức công ty và để khắc phục những khiếm khuyết của pháp luật Việt Nam về vấn đề này, nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài “Chuyển đổi hình thức công ty theo pháp luật Việt Nam” làm luận án tiến sĩ luật học của mình.
Trích: Chuyển đổi hình thức công ty theo pháp luật Việt Nam
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Khoa luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Tác giả: Hoàng Anh Tuấn
Người hướng dẫn khoa học: TS. Ngô Huy Cương - TS. Vũ Quang
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments