Ở Việt Nam, việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người gần đây có những thay đổi nhanh chóng. Các quyền cơ bản của con người hiện đã được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật. Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến việc thực thi những cam kết quốc tế về quyền con người. Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều cơ chế thúc đẩy nhân quyền toàn cầu và khu vực như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và Cơ quan liên chính phủ về nhân quyền ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Mặc dù vậy, như Chính phủ đã thừa nhận trong Báo cáo định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) chu kỳ I năm 2009 tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân.Đặc biệt, kinh nghiệm của Việt Nam trong hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền còn hạn chế.
Thực trạng kể trên cho thấy sự cần thiết phải có những nghiên cứu chuyên sâu về các cơ chế nhân quyền trên thế giới và khu vực để góp phần vào việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế và bảo đảm nhân quyền ở nước ta trong thời gian tới. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi hiểu rõ cấu trúc, cách thức và thủ tục hoạt động của các cơ quan nhân quyền quốc tế và khu vực thì mới có thể hợp tác và tận dụng nguồn lực của các cơ quan đó vào việc thúc đẩy sự bảo đảm quyền con người trong nước một cách hiệu quả. Luận văn này góp phần đáp ứng nhu cầu nêu trên, qua việc tập trung nghiên cứu về cơ chế bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền khu vực ASEAN – cơ chế mà Việt Nam cũng là một thành viên và có tác động trực tiếp nhất đến nước ta.
Trích: Cơ chế bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền khu vực ASEAN: Thực trạng, viễn cảnh và tác động của nó đến Việt Nam
- Luận án Thạc sĩ Luật học - Khoa Luật Đại học Quốc gia
Tác giả: Nguyễn Mạnh Cường
Người hướng dẫn khoa học: TS Vũ Công Giao
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments