Tổng số tội phạm cướp giật tài sản trong 12 năm từ năm 2001-2012 lên tới 49.783 bị cáo. Đây chỉ là những con số đã được phát hiện và được đưa ra xét xử sơ thẩm, nhưng trong thực tế còn có rất nhiều vụ không được phát hiện, vì nhiều lý do khác nhau, tức là phần ẩn của tình hình tội cướp giật tài sản luôn luôn hiện hữu. Tội cướp giật tài sản không chỉ xâm phạm sở hữu của người khác, mà còn gây ra những tổn thất nhiều mặt cho xã hội. Những phí tổn hữu hình và vô hình của xã hội khó có thể tính được một cách chính xác. Chất lượng cuộc sống giảm, sự đi lại, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí của người dân sẽ phải thận trọng, cảnh giác, nghĩa là hạn chế hơn. Ngoài những tác hại tức thời, hiện hữu nó còn để lại những hậu quả xã hội sâu sắc về nhiều mặt. Vì thế, ngay trong ý thức lập pháp hình sự ở nước ta, tội cướp giật tài sản không thể là loại tội ít nghiêm trọng, mà chỉ có thể là loại tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Với mức độ phạm tội trên thực tế như vậy của tội cướp giật tài sản cho phép khẳng định rằng, việc nghiên cứu loại tội phạm này dưới góc độ tội phạm học không chỉ là cấp thiết, mà còn đủ cơ sở thực tế để được tiến hành nghiên cứu. Mặt khác, việc thực hiện đề tài luận án đang nói ở đây còn có một động lực mới, đã và đang hiện hữu ở nước ta. Đó là sự phát triển của lý luận tội phạm học Việt Nam những năm qua, đặc biệt khi xu hướng nghiên cứu liên ngành tội phạm học và khoa học về quyền con người được xúc tiến mạnh mẽ. Những kết quả nghiên cứu này đã mở ra nhiều khả năng mới để nhận thức thiết thực hơn, bản chất hơn về những vấn đề cơ bản của tội phạm học mà luận án có thể sử dụng làm cơ sở lý luận. Tóm lại, việc nghiên cứu đề tài “Đấu tranh phòng, chống tội cướp giật tài sản ở nước ta hiện nay” là rất cấp thiết để góp phần cùng với các công trình nghiên cứu tương tự khác, tạo thành một chỉnh thể, đồng bộ những hành động cụ thể và thiết thực trong quá trình thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do Đảng ta đề ra vì mục tiêu xây dựng xã hội; Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trích: Đấu tranh phòng, chống tội cướp giật tài sản ở nước ta hiện nay
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Tác giả: Đặng Thuý Quỳnh
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Phạm Văn Tỉnh
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments