Bước sang thế kỷ XXI, sự phát triển kinh tế- xã hội trong nước và quốc tế buộc nhà nước phải có sự chuyển đổi về nhiệm vụ, chức năng, tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, đổi mới mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội, công dân. Xã hội đòi hỏi công vụ phải được thực thi linh hoạt, có hiệu lực, hiệu quả, có trách nhiệm; cần phải có đội ngũ công chức với những phẩm chất tương thích với nền kinh tế thị trường, xã hội dân sự. Điều này tất yếu đòi hỏi chế định pháp luật về công vụ, công chức cần phải có sự đổi mới về nội dung, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng một nền công vụ đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của xã hội, thời đại. Từ thực tiễn trên, Đại hội IX của Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định: "Hoàn thiện chế độ công vụ, quy chế công chức, coi trọng cả năng lực và đạo đức", làm cơ sở cho việc "xác lập cơ chế quản lý cán bộ, công chức phù hợp với hệ thống phân loại cán bộ, công chức và phân cấp quản lý cán bộ, công chức lãnh đạo ". Một trong những mục tiêu mà Chính phủ xác định tại chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001- 2010, là phải hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính. Do vậy, hoàn thiện chế độ công vụ, quy chế công chức là một trong những giải pháp có tính quyết định để đổi mới, nâng cao chất lượng công vụ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Đại hội X của Đảng chỉ rõ: "Đổi mới chính sách cán bộ và công tác quản lý cán bộ, xây dựng chế độ công vụ rõ ràng, minh bạch, đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực gắn với chế độ hưởng thụ thoả đáng và công bằng. Thực hiện đầy đủ nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ và phục vụ dân đối với các cơ quan và công chức nhà nước". Những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn trên đặt ra trước khoa học luật học có nhiệm vụ phải tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về công vụ, công chức, cung cấp các cơ sở khoa học cho quá trình hoàn thiện đó, góp phần tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, tạo cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Vì vậy, việc chọn đề tài "Hoàn thiện chế định pháp luật về công vụ, công chức ở Việt Nam hiện nay" làm đề tài nghiên cứu của luận án nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra hiện nay.
Trích: Hoàn thiện chế định pháp luật về công vụ, công chức ở Việt Nam hiện nay
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Tác giả: Lương Thanh Cường
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Phạm Hồng Thái
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments