Hoạt động bảo lãnh ngân hàng (BLNH) là một hoạt động ngân hàng, mang tính phổ biến tại các quốc gia trên thế giới và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trên thực tế, hoạt động BLNH góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chủ thể nói chung và giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế do nó tạo ra sự tin tưởng cho các bên giao kết hợp đồng, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia và cho nền kinh tế nói chung. Tại Việt Nam, hoạt động BLNH chính thức được quy định trong Quyết định số 192/NH-QĐ ngày 17/09/1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về bảo lãnh, tái bảo lãnh vay vốn nước ngoài. Từ đó đến nay, hệ thống pháp luật về ngân hàng nói chung và pháp luật về hoạt động BLNH nói riêng luôn có sự kế thừa và phát triển. Hiện nay, hoạt động BLNH được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Đạo luật này cùng với các văn bản pháp luật có liên quan đã tạo thành khung pháp luật điều chỉnh hoạt động BLNH, từng bước đưa hoạt động BLNH thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tạo niềm tin cho các chủ thể đối với các ngân hàng nói chung và các đối tác giao kết hợp đồng nói riêng. Bên cạnh đó, hoạt động BLNH phát triển ngày càng sôi động với nhiều loại hình bảo lãnh đa dạng đã tạo ra nguồn thu không nhỏ cho các ngân hàng thực hiện bảo lãnh. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến ngân hàng chịu những khoản thua lỗ hoặc mất uy tín. Một trong các nguyên nhân của các rủi ro này là do pháp luật về hoạt động BLNH còn nhiều bất cập, như các quy định về hoạt động BLNH còn sơ sài, chưa đầy đủ, còn có nhiều mâu thuẫn và thậm chí còn có sự xung đột pháp luật với quy định của pháp luật nước ngoài và quốc tế. Các tranh chấp phát sinh trong hoạt động BLNH ngày càng nhiều là minh chứng cho thấy pháp luật hiện hành về hoạt động BLNH vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hoạt động BLNH là yêu cầu khách quan. Vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện pháp luật về hoạt động BLNH theo hướng nào? Để trả lời câu hỏi này cần có sự nghiên cứu vấn đề một cách cụ thể. Đó là lý do để nghiên cứu sinh lựa chọn vấn đề: "Hoàn thiện pháp luật về hoạt động bảo lãnh ngân hàng ở Việt Nam" làm đề tài nghiên cứu cho Luận án Tiến sĩ Luật học của mình.
Trích: Hoàn thiện pháp luật về hoạt động bảo lãnh ngân hàng ở Việt Nam
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Tác giả: Nguyễn Thành Nam
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Lê Thị Thu Thuỷ - PGS. TS Đinh Dũng Sỹ
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Komentarai