Có thể thấy khoa học luật TTHS ngày càng phát triển cả về chất và lượng trên cơ sở nền tảng là các học thuyết, các quan điểm, ý kiến đánh giá của các chuyên gia. Đây chính là cơ sở lý luận, là tiền đề cho các nhà khoa học thực hiện các công trình nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, trước sự vận động và biến đổi không ngừng của thế giới tự nhiên, việc nhận thức của con người về một vấn đề khoa học nào đó cũng có sự thay đổi nhất định qua các thời kì. Quan điểm khoa học mới hình thành sau có thể tiến bộ hơn thậm chí phủ nhận quan điểm xuất hiện ở thời kì trước, đòi hỏi con người phải nhận thức được và không ngừng tìm tòi nghiên cứu để có thể kiểm chứng. Tri thức về TTHS cũng không nằm ngoài quy luật này, do đó các công trình nghiên cứu cần đảm bảo có tính mới. Thực tiễn giải quyết VAHS cũng vậy, tương ứng với từng giai đoạn phát triển, từng thời kì, việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng cũng như công tác lập pháp có ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết vụ án, các tiêu chí đánh giá hoạt động thực tiễn này cũng có sự thay đổi, số liệu biến đổi qua từng năm đòi hỏi phải có những đánh giá, tổng hợp kịp thời. Dưới góc độ nghiên cứu, trong khoa học TTHS mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về tranh tụng nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách chuyên sâu, toàn diện về hoạt động tranh tụng tại phiên tòa XXSTVAHS. Mặc dù BLTTHS năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể thực hiện các hoạt động tranh tụng tại phiên tòa XXSTVAHS, tuy nhiên vấn đề đặt ra là quy định của BLTTHS năm 2015 liệu đã thực sự đầy đủ về hoạt động tranh tụng, có đủ để bảo đảm cho hoạt động tranh tụng diễn ra trên thực tế và diễn ra thực sự có hiệu quả hay chưa? Để trả lời câu hỏi này, việc nghiên cứu về những vấn đề lý luận, quy định của pháp luật, thực tiễn tiến hành hoạt động tranh tụng để từ đó đề ra các giải pháp nhằm bảo đảm hoạt động tranh tụng tại phiên tòa là hết sức cần thiết. Do đó, NCS lựa chọn đề tài “Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự” làm đề tài nghiên cứu cho luận án của mình với mong muốn làm sáng tỏ những vấn đề về lý luận và thực tiễn đang đặt ra.
Trích: Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội
Tác giả: Nguyễn Thị Mai
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Đỗ Thị Phượng - TS. Vũ Gia Lâm
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments