top of page

Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Quyền khởi kiện của tổ chức, cá nhân đã được pháp luật quy định và chủ thể cho rằng

quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thông qua việc khởi kiện. Khởi kiện vụ án dân sự (VADS) được pháp luật ghi nhận là hoạt động tố tụng đầu tiên bảo vệ quyền dân sự của chủ thể có quyền hay lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và các chủ thể được pháp luật trao quyền; là cơ sở pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng dân sự (TTDS). Khi đơn khởi kiện của các chủ thể đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định thì Tòa án có trách nhiệm thụ lý vụ án. Thực tiễn thực hiện khởi kiện và thụ lý VADS vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Có Tòa án trả lại đơn khởi kiện không đúng quy định, thụ lý vụ án sai thẩm quyền, chậm xem xét, thụ lý đơn khởi kiện, lúng túng trong việc xem xét các điều kiện thụ lý VADS. Báo cáo tổng kết công tác Tòa án cho thấy, năm 2016, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,75% (do nguyên nhân chủ quan 0,63% và do nguyên nhân khách quan 0,12%) với các sai sót chủ yếu như xác định thiếu người tham gia tố tụng hoặc xác định không đúng tư

cách tham gia tố tụng, xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, sai thời hiệu khởi kiện hay thẩm quyền xét xử. Năm 2017, tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,73% (do nguyên nhân chủ quan 0,6% và do nguyên nhân khách quan 0,13%); bị sửa là 1,1% (do nguyên nhân chủ quan 0,7 và do nguyên nhân khách quan 0,4%). Vai trò của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trên thực tế còn hạn chế và đôi khi còn chưa được tôn trọng. Một số Viện kiểm sát (VKS) chưa thực sự coi trọng công tác kiểm sát hoạt động trả lại đơn khởi kiện và thụ lý VADS của Tòa án... Trước tình hình đó, việc nghiên cứu toàn diện, sâu sắc các quy định của BLTTDS năm 2015 về khởi kiện và thụ lý VADS để nhận biết được những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập của quy định pháp luật cũng như những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật cũng như đề xuất các giải pháp bảo đảm thực hiện khởi kiện và thụ lý VADS là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, việc nghiên cứu đề tài "Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" cũng nhằm bảo vệ tối đa quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, đáp ứng một trong các nhiệm vụ cải cách tư pháp được đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới.

Trích: Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội


Tác giả: Nguyễn Thị Hương

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Bùi Thị Huyền - TS. Lê Thị Hà

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


10 lượt xem0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page