Nhận thức được những hạn chế, bất cập trong các quy định của BLTTDS, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công cho TANDTC chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Dự án BLTTDS năm 2015. Trong quá trình thực hiện. Dự án, đã có nhiều quan điểm, ý kiến có giá trị được đưa ra nhằm hoàn thiện các quy định của BLTTDS trong đó có các quy định về khởi kiện và thụ lý VADS. Tuy nhiên, BTTDS năm 2015 được được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016 mới chỉ giải quyết được phần nào vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định về khởi kiện và thụ lý VADS và còn có những quy định chưa phù hợp với lý luận, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, có quy định chưa rõ ràng, minh bạch dẫn đến có nhiều cách hiểu và áp dụng không thống nhất. Thực tiễn thực hiện khởi kiện và thụ lý VADS vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Có Tòa án trả lại đơn khởi kiện không đúng quy định, thụ lý vụ án sai thẩm quyền, chậm xem xét, thụ lý đơn khởi kiện, lúng túng trong việc xem xét các điều kiện thụ lý VADS. Báo cáo tổng kết công tác Tòa án cho thấy, năm 2016, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,75% (do nguyên nhân chủ quan 0,63% và do nguyên nhân khách quan 0,12%) với các sai sót chủ yếu như xác định thiếu người tham gia tố tụng hoặc xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng, xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, sai thời hiệu khởi kiện hay thẩm quyền xét xử [108].
Trích: Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội
Tác giả: Nguyễn Thị Hương
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Bùi Thị Huyền và TS. Lê Thị Hà
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Kommentare