Trong hệ thống CQĐT, CQCSĐT giữ vai trò rất quan trọng, chịu trách nhiệm thụ lý, điều tra các loại tội phạm quy định ở 262/314 điều luật quy định về tội phạm cụ thể trong BLHS (83,4%), tương ứng với phần lớn số VAHS được phát hiện trong toàn quốc. Theo thống kê của Bộ Công an trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm CQCSĐT tiếp nhận, thụ lý, giải quyết hơn 78.500 nguồn tin về tội phạm (chiếm khoảng 93% của cả nước); mỗi năm khởi tố, điều tra 70.000 vụ án với 100.000 bị can (chiếm khoảng 95% tổng số VAHS, 97% tổng số bị can đã phát hiện, khởi tố của cả nước) [73, tr.21]. Chất lượng hoạt động điều tra của CQCSĐT có nhiều chuyển biến tích cực; tỉ lệ án kết thúc điều tra đề nghị truy tố tăng, đã điều tra, khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến tội phạm có tổ chức, tội phạm về ma túy, buôn lậu, giết người,...Tuy nhiên, hoạt động điều tra của CQCSĐT còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, để xảy ra tình trạng khởi tố, điều tra oan, sai, bỏ lọt tội phạm hoặc bức cung, nhục hình, xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; làm giảm lòng tin của nhân dân vào hoạt động tư pháp, tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân từ quan hệ tố tụng giữa CQCSĐT và VKSND trong TTHS chậm được đổi mới theo yêu cầu cải cách tư pháp; cơ chế phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan này chưa thực sự hợp lý nên chưa phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong TTHS; quy định pháp luật vềnhiệm vụ, quyền hạn của CQCSĐT, VKSND trong hoạt động khởi tố, điều tra còn nhiều vướng mắc, bất cập nên hiệu quả công tác phối hợp chưa cao...
Trích: Mối quan hệ giữa cơ quan cảnh sát điều tra và viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Học viện Khoa học Xã hội
Tác giả: Đào Anh Tới
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Nguyễn Ngọc Anh
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments