Hiện nay, việc nghiên cứu Quốc hội với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân chưa được làm rõ cả về lý luận và thực tiễn. Ở phương diện lý luận, khái niệm đại diện của Quốc hội chưa được luận giải thống nhất là tính chất hay là một chức năng của Quốc hội. Nhiều vấn đề mang tính hệ thống về đại diện của Quốc hội chưa được nghiên cứu như: nội dung đại diện, hình thức thực thi đại diện, tỷ lệ đại diện (chuyên trách, kiêm nhiệm), tư cách đại diện khi xử lý mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích nhóm cử tri của đơn vị bầu cử... Ở phương diện thực tiễn, hoạt động của Quốc hội chưa tương xứng với vị trí và vai trò hiến định, Quốc hội chưa mạnh, chưa thực quyền trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong giám sát tối cao hoạt động của nhà nước. Trong điều kiện đẩy mạnh công cuộc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; mở rộng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đảm bảo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt
động của Quốc hội, làm sáng tỏ cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn về vai trò đại diện, các điều kiện đảm bảo để Quốc hội thực thi hoạt động đại diện Nhân dân cao nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với nhận thức nói trên, tác giả lựa chọn: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân Việt Nam” làm đề tài luận án tiến sĩ Luật học với mong muốn nghiên cứu và làm rõ tính đại diện Nhân dân cao nhất của Quốc hội, đóng góp thêm vào kho tàng lý luận về Quốc hội ở nước ta.
Trích: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân Việt Nam
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tác giả: Nguyễn Thuý Hoa
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Trần Ngọc Đường
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments