Với tư cách là một trong những bộ phận nền tảng cấu thành thể chế pháp lý của nền kinh tế thị trường (KTTT) hiện đại, pháp luật cạnh tranh (PLCT) đã khẳng định được vị trí và vai trò trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Yêu cầu hoàn thiện PLCT đã giành được sự chú ý đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong cộng đồng các doanh nghiệp, sự ủng hộ và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Kể từ sau khi Luật Cạnh tranh (LCT) năm 2004 được ban hành, hệ thống PLCT đã hình thành từng bước, đồng bộ và phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể khẳng định rằng, việc ban hành LCT 2004 đã nhanh chóng và kịp thời thể chế hoá, hiện thực và cụ thể hoá chủ trương xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp pháp, văn minh, phục vụ cho việc phát triển đất nước, kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, chống lại các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm, PLCT vẫn chưa thực sự thể hiện được hết vai trò và nhiệm vụ to lớn của chúng - là công cụ pháp lý quan trọng của Nhà nước để điều tiết kinh tế vĩ mô trong nền KTTT. Từ khi thành lập Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) và Hội đồng cạnh tranh (HĐCT) cho đến nay, số lượng vụ việc tập trung kinh tế (TTKT) được điều tra, xử lý vi phạm các vụ việc không nhiều, chủ yếu dừng lại ở việc tham vấn, xem xét hồ sơ thông báo TTKT và cho tiến hành TTKT1 . Điều này mâu thuẫn với thực tiễn TTKT đang diễn ra rất phổ biến, phạm vi ngày càng rộng và có chiều hướng diễn biến rất phức tạp; các doanh nghiệp trong và ngoài nước coi đây là cách thức đầu tư hiệu quả nhất trong việc tiết kiệm nguồn lực, thâm nhập thị trường, giảm thiểu các rào cản gia nhập thị trường cũng như nhằm gia tăng nguồn lực và sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp. Vì những lý do nêu trên, để đóng góp hoàn thiện cơ sở lý luận và pháp luật về kiểm soát TTKT, tác giả chọn đề tài “Pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế ở Việt Nam” làm luận án Tiến sĩ luật học của mình.
Trích: Pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế ở Việt Nam
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Trường Đại học Luật TP HCM
Tác giả: Hà Ngọc Anh
Người hướng dẫn khoa học: TS. Phạm Trú Hùng
TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments