Ở nước ta, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là một trong những chế định cơ bản của pháp luật đất đai. Chế định pháp luật này ra đời với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất khi bị Nhà nước thu hồi đất, tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng chế định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; bởi lẽ, nó “đụng chạm” đến lợi ích thiết thực của người dân nói chung và của người sử dụng đất nói riêng. Không phải ở bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, việc thi hành pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng xử lý và giải quyết hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích của người bị thu hồi đất. Sự không đồng thuận của người bị thu hồi đất đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là các quy định của pháp luật hiện hành về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất chưa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn cho dù chế định này thường xuyên được sửa đổi, bổ sung.
Rõ ràng những sửa đổi, bổ sung của Luật Đất đai năm 2013 vẫn bộc lộ nhiều bất cập và chưa phát huy được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của người có đất bị thu hồi, giải quyết kém hiệu quả bài toán về sự đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, chưa “hạ nhiệt” các khiếu kiện và chưa phát huy hết tác dụng tích cực trong việc bảo đảm sử dụng nguồn lực đất đai và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Những vấn đề trên đây đặt ra nhu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu một cách hệ thống, đầy đủ về phương diện lý luận và thực tiễn pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt là pháp luật bồi thường về đất để đánh giá một cách toàn diện, tìm ra nguyên nhân của những tồn tại để có những giải pháp hữu hiệu góp phần hoàn thiện pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và nâng cao hiệu quả thực thi trên thực tế. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu sinh lựa chọn nghiên cứu đề tài "Pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất” làm luận án tiến sĩ luật học. Thành công của luận án góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Đất đai năm 2013 nói chung và chế định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở Việt Nam nói riêng.
Trích: Pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội
Tác giả: Nguyễn Vinh Diện
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến - TS. Trần Quang Huy
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments