Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới với sự kiện trở thành thành viên Tổ chức thương mại thế giới WTO, chúng ta cũng đã tham gia vào nhiều tổ chức, diễn đàn kinh tế, khu vực tự do thương mại và gần đây nhất là tham gia Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP. Điều này cũng có nghĩa là những nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ nước ngoài có thể dễ dàng thâm nhập vào thị trường kéo theo sự xâm chiếm của hàng loạt các ĐKTMC của các tập đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài việc tăng tính cạnh tranh, buộc các nhà sản xuất trong nước phải không ngừng cải tiến, phát triển công nghệ, nó còn tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận với những hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao, có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt và phù hợp với khả năng tài chính của mình. Nhà nước cần duy trì sự kiểm soát cần thiết để đảm bảo vẫn đạt được các mục tiêu xã hội đồng thời với việc đưa vào thực hiện một khuôn khổ điều tiết nhằm bảo vệ khách hàng khi mở cửa thị trường. Đây cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế thế giới, khu vực và đòi hỏi phải từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp, trong đó có pháp luật hợp đồng và pháp luật về ĐKTMC. Pháp luật hợp đồng vốn dĩ đã là vấn đề pháp lý phức tạp, pháp luật về ĐKTMC chung càng thể hiện sự phức tạp hơn bởi cách quan niệm và tiếp cận khác nhau về quyền tự do hợp đồng và lẽ công bằng của pháp luật hợp đồng. Tuy nhiên dường như ở Việt Nam việc nghiên cứu pháp luật ở lĩnh vực này không nhận được sự mặn mà của giới nghiên cứu. Vì vậy, việc nghiên cứu để làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về ĐKTMC, xác định được căn nguyên của việc kiểm soát của pháp luật đối với việc áp dụng ĐKTMC trong giao dịch hợp đồng, nhận diện các nội dung pháp luật cốt lõi về ĐKTMC, từ đó phân tích đánh giá các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam để đề xuất các vấn đề về xây dựng pháp luật điều chỉnh việc giao kết hợp đồng sử dụng ĐKTMC một cách hiệu quả là điều hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự và hội nhập sâu rộng toàn cầu.
Trích: "Pháp luật về điều kiện thương mại chung – Những vấn đề lý luận và thực tiễn"
Đại học Luật Hà Nội - Luận án Tiến sĩ Luật học
Tác giả: Nguyễn Thị Hằng Nga
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Viết Tý - TS. Vũ Thị Lan Anh
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments