Có thể nói, với điều kiện vốn đầu tư trong nước còn hạn chế, thì đây là hình thức tạo vốn phổ biến và quan trọng. Hình thức góp vốn bằng QSDĐ diễn ra chủ yếu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy, vốn góp bằng QSDĐ tại các liên doanh không lớn, chỉ chiếm từ 10% đến 20%, trong khi nhiều liên doanh thua lỗ kéo dài, do ít vốn, không chịu được thua lỗ nên các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển nhượng phần vốn góp cho đối tác nước ngoài. Nhiều vụ việc chuyển nhượng vốn góp bằng QSDĐ như: Khách sạn Fortuna, Khu công nghiệp Sài Đồng B... đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn cả về mặt pháp lý. Mặc dù, Luật Đất đai đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng về tổng thể QSDĐ vẫn chưa phải là hàng hóa được tự do lưu thông. Sự không thống nhất giữa các đạo luật điều chỉnh quan hệ góp vốn bằng QSDĐ như: Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Công chứng... đã ảnh hưởng đến góp vốn bằng QSDĐ. Trên phương diện thực thi, kể từ khi doanh nghiệp đầu tiên hình thành từ góp vốn bằng QSDĐ đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được phương án phù hợp để xử lý vấn đề giải thể, phá sản đối với việc góp vốn bằng QSDĐ. Điều này dẫn tới nhiều khu đất có diện tích lớn, tọa lạc ở vị trí đ c địa bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả, trong khi nhu cầu về đất cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh ngày càng tăng. Những hạn chế, bất cập này đã và đang cản trở hoạt động góp vốn, làm cho việc góp vốn bằng QSDĐ mang tính hình thức. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Đảng ta đã khẳng định: Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất,... tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho sự phát triển. Đây là định hướng quan trọng trong xây dựng và thực thi pháp luật đất đai nói chung, trong đó có góp vốn bằng QSDĐ. Vì vậy, việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn pháp luật về góp vốn bằng QSDĐ là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Kết quả nghiên cứu góp phần bổ sung những vấn đề lý luận nhằm hoàn thiện pháp luật về góp vốn bằng QSDĐ và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về góp vốn bằng QSDĐ. Với ý nghĩa đó, tác giả lựa chọn đề tài “Pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất” để làm luận án tiến sĩ luật học với mong muốn giải quyết được những vấn đề mà lý luận và thực tiễn đặt ra.
Trích: "Pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất"
Học viện Khoa học xã hội - Luận án Tiến sĩ Luật học
Tác giả: Sỹ Hồng Nam
Người hướng dẫn khoa học: TS. Trần Quang Huy - TS. Đặng Vũ Huân
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments