Bên cạnh những chuyển mình theo hướng tích cực trên, thì quyền gia nhập thị trường vẫn còn chứa đựng nhiều hạn chế hay “rào cản” khiến cho việc hiện thực hóa “quyền tự do kinh doanh” gặp nhiều thách thức. Sự thiếu đồng bộ giữa quy định thông thoáng về gia nhập thị trường tại Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành, cũng như tình trạng các điều kiện kinh doanh tồn tại dưới dạng giấy phép kinh doanh, giấy phép “con” với số lượng lớn, không cần thiết đã gây nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Từ đầu năm 2018, nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, các Bộ quản lý chuyên ngành đã tiến hành rà soát các điều kiện kinh doanh với mục tiêu phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh, thể hiện trong phương án cắt giảm. Phần lớn các phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh đã được hiện thực hóa bằng việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các nghị định về điều kiện kinh doanh, trong đó tỷ lệ cắt giảm đạt trên 50% tổng số điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, những con số đó chỉ là báo cáo trên giấy, thực tế chỉ được 30%, nhiều thủ tục còn rắc rối, chồng chéo, là rào cản với các doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và ảnh hưởng của làn sóng đầu tư mới, đã đặt ra nhiều thách thức đối với Nhà nước Việt Nam trong việc cải cách quy định pháp luật nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài, cũng như bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn, hiệu quả. Do đó, việc nghiên cứu vai trò, mối quan hệ giữa quyền gia nhập thị trường trong tổng thể pháp luật về quyền tự do kinh doanh, chỉ ra những “rào cản”, và đưa ra những giải pháp hoàn thiện, góp phần tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam là cần thiết. Vì vậy, tác giả đã lựa chọn đề tài: “Pháp luật về quyền gia nhập thị trường - lý luận và thực tiễn ở Việt Nam” để nghiên cứu và làm Luận án Tiến sĩ luật học.
Trích: Pháp luật về quyền gia nhập thị trường - lý luận và thực tiễn ở Việt Nam
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội
Tác giả: Nguyễn Như Chính
Người hướng dẫn khoa học: TS. Lê Đình Vinh - TS. Trần Thị Bảo Ánh
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments