Trong nhiều năm qua Việt Nam đã rất nỗ lực chuyển hóa các quy định của ILO vào pháp luật lao động, chuyển hóa các quy định, các điều ước quốc tế về quyền con người vào các quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình...nhưng thực tế tình trạng phân biệt đối xử đối với lao động nữ vẫn tồn tại và việc bảo đảm, bảo vệ quyền của lao động nữ vẫn chưa hiệu quả. Thực tiễn thi hành pháp luật lao động đã cho thấy, sự gia tăng nhu cầu sử dụng lao động và tăng thu nhập cho người lao động không đồng nhất với với sự bảo đảm quyền lợi của người lao động. Do những đặc điểm về tâm sinh lý, giới tính, lao động nữ thường gặp khó khăn hơn so với lao động nam trong quan hệ lao động.Cùng với quan niệm sai lệch về giới làm cho lao động nữ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương hơn.Với đặc thù về giới và sự tồn tại của quan niệm “trọng nam khinh nữ” lao động nữ ở Việt Nam vẫn bị yếu thế, gặp nhiều thách thức, bị xâm phạm về quyền và lợi ích. Từ thực trạng trên cho thấy nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về “Quyền của lao động nữ theo pháp luật Việt Nam” nhằm luận giải các vấn đề về quyền của lao động nữ như: quyền bình đẳng về việc làm và thu nhập, quyền nhân thân, quyền làm mẹ cũng như các biện pháp bảo vệ thúc đẩy quyền cho lao động nữ là cần thiết. Từ đó đề xuất việc hoàn thiện và đưa ra các giải pháp, kiến nghị giúp các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về lao động và các nhà hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ có những biện pháp bảo đảm, bảo vệ thúc đẩy quyền cho lao động nữ ngày càng tốt hơn.
Trích: Quyền của lao động nữ theo pháp luật Việt Nam
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Học viện Khoa học Xã hội
Tác giả: Đặng Thị Thơm
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Hữu Chí
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments