top of page

Thẩm quyền Tòa án Việt Nam với các vụ việc KDTM có yếu tố nước ngoài và tương quan với các quốc gia

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ việc kinh doanh, thương mại có YTNN, cũng như ký kết Hiệp định tương trợ và hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư với các nước, tham gia các Điều ước quốc tế (ĐUQT) để giải quyết các vấn đề trên đã đem lại nhiều thuận lợi hơn trong công tác giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại có YTNN. Tuy nhiên, quy định của các Hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) về thẩm quyền của TA Việt Nam giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung, kinh doanh, thương mại nói riêng có YTNN trong các Hiệp định TTTP còn ít ỏi, sơ lược, có quy định lại cho phép TA của cả hai bên ký kết đều có thẩm quyền giải quyết,... nên việc hiểu, áp dụng những quy định đó còn nhiều lúng túng. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam quy định về thẩm quyền của TA Việt Nam giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại có YTNN còn nằm rải rác trong các văn bản khác nhau mà chưa có sự tập trung trong văn bản chuyên ngành, còn có sự mâu thuẫn giữa các văn bản chuyên ngành như Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật Hàng hải năm 2015,... so với quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Các quy định về thẩm quyền của TA trong BLTTDS năm 2015 vẫn còn chứa đựng những bất cập, hạn chế, nhiều vấn đề chưa được luật hóa như quyền thỏa thuận lựa chọn Tòa án (TA), thẩm quyền của TA đối với các vụ việc về sở hữu trí tuệ,... Hiện nay, Việt Nam gia nhập và ký kết nhiều ĐUQT về thương mại, đầu tư với các quốc gia. Để đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như tạo một hành lang pháp lý an toàn, vững chắc, hiệu quả, tạo tâm lý an toàn cho các nhà đầu tư, yêu cầu đặt ra là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thẩm quyền giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại trong Tư pháp quốc tế (TPQT) để có hành lang pháp lý vững chắc tạo một cơ chế giải quyết tranh chấp chặt chẽ, đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập. Việc nghiên cứu thẩm quyền của TA Việt Nam đối với các vụ việc kinh doanh, thương mại có YTNN, đặt trong mối tương quan so sánh với pháp luật của một số quốc gia trên thế giới là cần thiết hiện nay. Chính vì vậy, tác giả chọn đề tài: “Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với các vụ việc kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài trong tương quan với pháp luật một số quốc gia trên thế giới”, làm luận án Tiến sỹ Luật học của mình.

Trích: Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với các vụ việc kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài trong tương quan với pháp luật một số quốc gia trên thế giới

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội

Tác giả: Vũ Thị Hương

Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Hồng Bắc, TS. Nguyễn Thái Mai

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


bottom of page