Trải qua hơn 10 năm áp dụng vào thực tiễn, chế định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại trong Luật Thương mại năm 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, vẫn còn những quan điểm khác nhau liên quan đến sự tồn tại của những quy định trong Luật này. Cụ thể, có nên quy định riêng về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại hay không, khi các bên đã thỏa thuận về mức bồi thường? Khi thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất, bên vi phạm hợp đồng có quyền giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại hay không? Nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại chứng minh được mình không biết hoặc biết nhưng không có đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp hạn chế tổn thất thì giải quyết như thế nào? Việc khống chế mức phạt vi phạm mà các bên được quyền thỏa thuận không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, nhằm hạn chế bất lợi cho bên yếu thế trong hợp đồng và bảo đảm dung hòa lợi ích giữa các bên trong hợp đồng, song điều đó có đi ngược với bản chất quy định vừa áp dụng phạt vi phạm hợp đồng vừa yêu cầu bồi thường thiệt hại? Cách hiểu khác nhau giữa các chủ thể về “lỗi” trong pháp luật thương mại có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không thống nhất trong việc áp dụng luật vào thực tiễn giải quyết tranh chấp? Sử dụng khái niệm “miễn” trong Luật Thương mại có phù hợp với bản chất của vấn đề không?... Chính những điểm bất cập trong quy định của luật và những ý kiến khác nhau được đề cập ở trên là một trong những nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động giải quyết tranh chấp của các chủ thể có thẩm quyền.
Trích: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt Nam
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội
Tác giả: Đinh Văn Cường
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Hoàng Thế Liên
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments