Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn gặp nhiều hạn chế, bất cập. Đó là, cho đến nay, Việt Nam mới chỉ ký được khoảng 22 hiệp định hợp tác lao động, còn thiếu nhiều hiệp định hợp tác về lao động với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ quan trọng khi trong thực tế, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, do đó, chưa thực sự bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và gần 20 văn bản hướng dẫn thi hành chủ yếu quy định về tiêu chuẩn, thủ tục, phương thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chứ chưa quy định cụ thể để bảo vệ có hiệu quả cho người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài. Một số quy định của Luật này chưa đảm bảo sự đồng bộ, sự phù hợp và không còn tương thích với nội dung của các Luật và Bộ luật mới được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây; chưa đáp ứng được các yêu cầu mới về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh kinh tế xã hội và quan hệ quốc tế mới, ngay cả đã được sửa đổi năm 2020. Công tác quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài (quản lý từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quản lý lao động từ các doanh nghiệp, quản lý từ người sử dụng lao động nước ngoài và tự quản lý của người lao động) còn nhiều hạn chế. Một điểm tồn tại, hạn chế nữa lại xuất phát từ ngay chính bản thân người lao động Việt Nam. Đó là, chất lượng lao động thấp, ý thức tổ chức kỷ luật lao động kém, kỹ năng mềm còn hạn chế; thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán của nước sở tại. Việc tự ý hủy bỏ hợp đồng để ra ngoài làm việc bất hợp pháp hoặc ở lại bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng, không tuân thủ quy định nơi làm việc và nơi sinh sống.... là tình trạng khá phổ biến của người lao động Việt Nam ở hầu hết các quốc gia. Những vi phạm này của người lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì và phát triển thị trường tiếp nhận lao động trong hiện tại và tương lai. Do đó, việc nghiên cứu đề tài “Vấn đề lao động Việt Nam làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và các nước - lý luận và thực tiễn”, là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay của nước ta.
Trích: Vấn đề lao động Việt Nam làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và các nước - lý luận và thực tiễn
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội
Tác giả: Tống Văn Bằng
Người hướng dẫn khoa học: TS. Vũ Đức Long - TS. Trần Minh Ngọc
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments