Tăng cường hiệu quả đấu tranh đối với các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của một đất nước là một yêu cầu cấp thiết, vừa là mục tiêu và một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới.
Nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho thấy còn bộc lộ nhiều thiếu sót, có không ít những quy định về vi phạm hành chính, thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn chồng chéo, không phù hợp, gây khó khăn cho việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên thực tế [122, tr. 47]. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường, tích cực tham gia xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức chưa cao; chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; công tác phối hợp trong xử lý chưa chặt chẽ; phương tiện kỹ thuật phục vụ cho xử lý vi phạm hành chính chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; việc xử lý mới tập trung áp dụng hình thức xử phạt tiền, chưa quan tâm áp dụng hình thức khắc phục hậu quả, cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính nên đã làm giảm hiệu quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Mặt khác, nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước phải có trách nhiệm kiểm soát môi trường, mọi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đều phải bị xử lý nghiêm minh để bảo đảm cho người dân được sống trong môi trường trong lành, bảo đảm quyền lợi tự nhiên của con người nhằm góp phần phát triển bền vững. Để thực hiện được điều này, Nhà nước phải hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên thực tế.
Việc nghiên cứu, đánh giá một cách hệ thống, toàn diện về lý luận, thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả xử lý hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam là yêu cầu cấp thiết đối với nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đó là lý do, tác giả lựa chọn vấn đề “Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay” để làm luận án tiến sỹ luật học.
Trích: Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội
Tác giả: Lê Thị Hằng
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Bùi Thị Đào - PGS.TS. Vũ Thư
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments