Châu Âu mặc dù đã có một quá trình hội nhập lâu dài với rất nhiều thành công nhưng quá trình này chưa phải là điểm kết thúc. Châu Âu vẫn đang trong quá trình phân rã từng quốc gia với những bản sắc riêng biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử,... để hội nhập thành một siêu quốc gia rộng lớn. Chính điều này làm hệ thống chính trị của châu Âu trở nên phức tạp. Sự vận hành của nó biểu hiện sự đan xen giữa những hệ thống chính trị của từng quốc gia và hệ thống chính trị của liên minh mà cụ thể là giữa những vấn đề được gọi là “đối nội” của quốc gia với “đối nội” của liên minh và giữa “đối ngoại” của quốc gia với “đối ngoại” của liên minh. Chính sự phức tạp này làm cho nhiều chủ thể khác như các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác trên thế giới khó có thể hiểu chính xác về bản chất cũng như sự vận hành của Liên minh. Các chủ thể không xác định được nếu cần phải đàm phán với EU về một vấn đề cụ thể thì nên bắt đầu từ đâu, với ai và thủ tục như thế nào – đây chính là khó khăn thường xuyên gặp phải của các đối tác khi phải làm việc với EU và việc đàm phán là không thể tránh khỏi vì EU là một chủ thể quan trọng trên trường quốc tế không thể bỏ qua cả về chính trị lẫn kinh tế. Việc nghiên cứu nhận biết rõ cơ cấu tổ chức hoạt động của Liên minh sẽ giúp các đối tác nhanh chóng xác định được đối tượng đúng chức năng, thẩm quyền để đàm phán, làm việc. Đồng thời việc hiểu rõ cơ chế ra quyết định đặc biệt phức tạp trong Liên minh được áp dụng riêng biệt đối với từng lĩnh vực chính sách (cả trên phương diện chính thức và không chính thức) sẽ giúp cho hoạt động đàm phán sớm đạt được kết quả và tiết kiệm nhiều thời gian và nguồn lực. Mặt khác, chính trong quá trình phát triển hội nhập của châu Âu này, lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực bị cọ xát gay gắt và được làm sáng tỏ, vì vậy việc nghiên cứu sự vận hành và xu thế phát triển của hệ thống các thể chế chính trị ở châu Âu sẽ góp phần giúp cho các quốc gia nói chung và Việt nam nói riêng nhận thức rõ hơn đâu là những giá trị quốc gia đích thực cần gìn giữ và làm thế nào để bước vào các quá trình hội nhập khu vực một cách hợp lý và có lợi nhất. Nghiên cứu này làm sáng tỏ diện mạo chính trị đa tầng và phức tạp của châu Âu, điều này giúp cho Việt nam có chính sách đối ngoại hợp lý hơn, hiệu quả hơn khi quan hệ với châu Âu nói chung (liên minh) và từng quốc gia châu Âu nói riêng. Từ bài học hội nhập của châu Âu chúng ta có thể tìm thấy nhiều cơ chế, cách thức phối hợp giữa các quốc gia trong khu vực khi giải quyết một vấn đề cùng quan tâm. Đó sẽ là những kinh nghiệm quý báu mà chúng ta có thể vận dụng ngay cho Việt Nam và các nước ASEAN khi tham gia giải quyết các vấn đề nóng của khu vực, đặc biệt như vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa các nước trong ASEAN và với Trung Quốc.
Trích: “Các thể chế chính trị Liên minh châu Âu”
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Khoa luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Tác giả: Phan Đặng Đức Thọ
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Bùi Xuân Đức
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments