An toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với sức khỏe con người và xã hội. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người, nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, mà còn liên quan chặt chẽ đến sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Đảm bảo ATTP sẽ tăng cường nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của con người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng lớn cho các chi phí chăm sóc sức khỏe và giảm đáng kể khả năng và năng suất lao động. Công tác quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì còn nhiều hạn chế, bất cập như: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ATTP (các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu; một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo chất lượng, ATTP chưa thực sự hiệu quả do thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ còn khó khăn, phức tạp); công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các cấp; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các cấp chưa xử lý dứt điểm một số tồn tại như: chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất kháng sinh trong rau, quả, chè, thịt, thủy sản còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân; công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm hiệu quả chưa cao do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự; nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan; vai trò của UBND các cấp chưa được phát huy; kinh phí đầu tư hàng năm của nhà nước cho công tác bảo đảm ATTP có tăng nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế và chưa huy động hết các nguồn lực xã hội; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP chưa sát với thực tế phát triển của đất nước; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về ATTP chưa hiệu quả.... Xuất phát từ thực tế đó, đề tài “Quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay” sẽ góp phần giải quyết những vấn đề trên.
Trích: "Quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay"
Học viện Khoa học xã hội - Luận án Tiến sĩ Luật học
Tác giả: Bùi Thị Hồng Nương
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Vũ Thư
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments