top of page

Quản trị công ty luật theo pháp luật Việt Nam

Hoạt động luật sư được kỳ vọng rất nhiều trong giai đoạn phát triển hiện nay. Tuy nhiên, kỳ vọng này có được hiện thực hóa hay không phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, nhất là công ty luật và việc quản trị các tổ chức này. Các tổ chức hành nghề luật sư, nhất là các công ty luật được thành lập khá nhiều về số lượng. Tuy nhiên, cần phải nhận thấy rằng đa số các tổ chức hành nghề luật nói chung và công ty luật nói riêng đang thiếu tính chuyên nghiệp và có quy mô nhỏ. Việc quản trị, điều hành công ty theo các mô hình hướng tới minh bạch và hiệu quả chưa được chú trọng và vì thế thiếu khả năng cạnh tranh, nhất là cạnh tranh quốc tế. Rất dễ nhận thấy những hạn chế của quản trị công ty luật ở Việt Nam. Chúng bắt nguồn trước tiên từ nhận thức của những chủ sở hữu công ty luật về vai trò của quản trị và quản trị tốt. Các công ty luật cũng giống như các doanh nghiệp thương mại khác, nhiều tổ chức khác ở Việt Nam đều hầu như chưa chú trọng đến vai trò của quản trị. Mặt khác, những nền tảng lý luận về quản trị doanh nghiệp còn rất thiếu đặt trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam là xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, pháp luật về quản trị công ty luật cũng khó được coi là đầy đủ và hoàn chỉnh. Chính vì thế, câu hỏi quản trị công ty luật như thế nào cho phù hợp bản chất của công ty luật trong bối cảnh phát triển của đất nước vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Luật Doanh nghiệp năm 2014 và một số văn bản pháp luật khác có quy định chung về quản trị doanh nghiệp. Các quy định này chỉ có thể tạo ra cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, hoạt động của công ty luật chứ chưa thể đáp ứng yêu cầu quản trị phù hợp với bản chất và tính chất hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý. Quản trị công ty luật có những nguyên tắc và những yêu cầu đặc thù. Công ty luật không phải là một thực thể thương mại thuần túy. Tổ chức công việc, quan hệ giữa luật sư trong công ty luật khác nhiều với quan hệ giữa người quản lý, nhân viên và người lao động trong các doanh nghiệp thương mại thuần túy. Đặc biệt, việc phân chia lợi ích có được từ hoạt động của công ty luật cũng khác. Hoạt động của luật sư liên quan tới một giá trị xã hội vô cùng quan trọng nhưng không thể thương mại hóa - đó là công lý. Hơn nữa, quản trị công ty luật gắn với rất nhiều bản năng gốc chi phối rất mạnh đến hành vi của luật sư. Làm thế nào để quản trị được các bản năng gốc này, duy trì hoạt động của luật sư thông qua việc kết hợp hài hòa các quan hệ giữa luật sư với công ty luật mà họ là thành viên, giữa luật sư với thân chủ là câu hỏi mà khoa học pháp lý Việt Nam cần giải đáp.

Xuất phát từ những phân tích trên, việc nghiên cứu vấn đề "Quản trị công ty luật theo pháp luật Việt Nam" là cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Công trình nghiên cứu dưới hình thức Luận án tiến sỹ luật học này sẽ bổ sung cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện quản trị công ty luật trong khuôn khổ thể chế hiện hành của đất nước, thúc đẩy việc hiện thực hóa yêu cầu quản trị tốt trong thiết chế hành nghề luật sư.

Trích: Quản trị công ty luật theo pháp luật Việt Nam

Học viên Khoa học Xã hội - Luận án Tiến sĩ Kinh tế


Tác giả: Nguyễn Văn Bốn

Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Lê Hồng Hạnh

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:




124 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page