top of page

Tặng cho quyền sử dụng đất ở theo pháp luật Việt Nam hiện nay

Tặng cho QSDĐ ở không còn bó hẹp ở phạm vi và ý nghĩa truyền thống là cho nhau tài sản mà mình không còn nhu cầu sử dụng, cho những người thân của mình tài sản với tinh thần "chia sẻ" hay tặng cho QSDĐ ở để thực hiện những ý tưởng nhân văn khác như: tặng cho cộng đồng dân cư, tặng cho Nhà nước để sử dụng đất đó phục vụ cho mục đích quốc gia, công cộng. Vượt ra xa phạm vi ấy, tặng cho QSDĐ còn hướng tới việc thay đổi tính năng và hiệu quả sử dụng đất, để tận dụng và phát huy tối đa hệ số sử dụng đất. Và điều đáng phải bàn là tặng cho QSDĐ ở còn nhằm những mục đích và ý đồ khác hơn để “tư lợi cá nhân”, để trốn thuế hay để thực hiện việc tẩu tán tài sản để trốn tránh việc thực hiện những nghĩa vụ tài sản khác. Đây là mặt trái của tặng cho QSDĐ nói chung và tặng cho QSDĐ ở nói riêng mà trên thực tế chúng phát sinh khá nhiều những tranh chấp, mâu thuẫn, bất đồng. Cụ thể, xuất phát từ bản thân các giao dịch tặng cho là các giao dịch không có đền bù ngang giá, chính vì vậy, khi thấy giá trị QSDĐ, đặc biệt là đất ở đô thị và các vùng ven đô tăng, nhiều trường hợp người sử dụng đất đã tặng cho lại đòi lại QSDĐ đã tặng cho. Trên thực tế, nhiều trường hợp, QSDĐ ở tặng cho không có tranh chấp, song tranh chấp về tài sản là nhà, công trình xây dựng khi các tài sản đó không là tài sản thuộc quyền sở hữu của người tặng cho. Đặc biệt, những loại giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho hộ gia đình song không ghi rõ hộ gia đình bao gồm những thành viên nào, khi tặng cho, một hoặc một số thành viên trong hộ gia đình khởi kiện đòi phần QSDĐ của mình với lý do họ không đồng ý tặng cho tài sản đó. Trong nhiều trường hợp, cơ quan có thẩm quyền vô cùng khó khăn và lúng túng khi công nhận hợp đồng hay xử lý hợp đồng vô hiệu, hợp đồng vô hiệu toàn phần hay vô hiệu từng phần. Trong thực tế, việc công nhận hợp đồng vô hiệu từng phần (phần không được tặng cho) có thể hợp lý, hợp pháp, song việc xử lý, thi hành án đối với bản án Tòa tuyên hợp đồng vô hiệu từng phần đó lại không thể thực hiện được trên thực tế khi quyền nhà đất đó nếu để chia trên thực tế sẽ không thể đảm bảo giữ nguyên được giá trị, thậm chí làm giảm giá trị nếu như diện tích nhà đất đó quá nhỏ. Hơn nữa, nếu có tách diện tích đó theo bản án công nhận một phần tài sản tặng cho thì người được tặng cho cũng không thể xác lập được quyền hợp pháp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ từ chối việc cấp giấy chứng nhận do diện tích nhà đất sau khi cấp quá bé. Sẽ càng khó khăn hơn trong công tác thi hành án nếu nhà đất tặng cho là nơi ăn, ở, sinh hoạt duy nhất của tất cả các thành viên trong hộ... Xuất phát từ những phức tạp nêu trên, tác giả lựa chọn đề tài: “Tặng cho quyền sử dụng đất ở theo pháp luật Việt Nam hiện nay” làm đề tài nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về quyền tặng cho QSDĐ nói chung và tặng cho QSDĐ ở nói riêng.


Trích: "Tặng cho quyền sử dụng đất ở theo pháp luật Việt Nam hiện nay"

Học viện Khoa học xã hội - Luận án Tiến sĩ Luật học


Tác giả: Trần Thị Minh

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Thị Nga

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


bottom of page