Ở góc độ thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước đã cho thấy những hạn chế, bất cập về mặt thực định và những yêu cầu, đòi hỏi mới đặt ra trong quá trình thực thi pháp luật. Về mặt hình thức, pháp luật về Chủ tịch nước qua các thời kỳ cũng như hiện hành còn rất tản mạn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể, chi tiết. Dù Quốc hội Khoá XIII đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dự án Luật về Chủ tịch nước nhưng cho đến nay vẫn chưa được ban hành. Về nội dung, pháp luật về Chủ tịch nước còn (i) thiếu nhiều quy định điều chỉnh vai trò thay mặt Nước, nhất là trong mối quan hệ với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị nước ta như Đảng, Mặt trận Tổ quốc...; (ii) chưa phân định một cách rõ ràng và cụ thể hoá nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với các cơ quan thực thi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhất là, nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước (QLNN) mới được ghi nhận trong HP năm 2013; (iii) còn chưa đầy đủ, thiếu quy định cụ thể, chi tiết về bộ máy của thiết chế Chủ tịch nước cũng như về những nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù của Chủ tịch nước trong đối nội, đối ngoại như điều kiện, tiêu chuẩn, tuyên thệ, trường hợp khuyết, đặc xá,... Về yêu cầu trong tình hình mới, pháp luật về Chủ tịch nước hiện hành chưa thể chế hoá mạnh mẽ, đầy đủ quan điểm của Đảng về Chủ tịch nước theo hướng “nghiên cứu xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng NTQG, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang; quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Bên cạnh đó, chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của Đảng, của Nhà nước, của Quốc gia đòi hỏi pháp luật về Chủ tịch nước cần phải được hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý cho Chủ tịch nước trong xây dựng hình ảnh, vị thế của đất nước, Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế; phát huy hơn nữa vai trò của Chủ tịch nước trong duy trì, mở rộng, tham gia các tổ chức quốc tế, trong mối quan hệ song, đa phương, cũng như trong vai trò đại diện Nhà nước, Quốc gia với tư cách là chủ thể trong pháp luật quốc tế. Về sự phù hợp với chuyên ngành đào tạo và bảo đảm tính mới: Việc lựa chọn đề tài Luận án nghiên cứu Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước là phù hợp với chuyên ngành đào tạo “Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật” (Mã số: 60 38 01 01). Đồng thời, qua tìm hiểu lịch sử nghiên cứu cho thấy, dù đã có những công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài Luận án, tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra chưa được giải quyết một cách hệ thống, đầy đủ, cụ thể, thấu đáo. Trên cơ sở nền tảng nghiên cứu đã có và kế thừa, phát huy những kết quả nghiên cứu của các tác giả đã đạt được, Luận án sẽ tập trung giải quyết những vấn đề nghiên cứu còn dang dở, những vấn đề nghiên cứu mới liên quan trực tiếp tới Đề tài Luận án. Điều này bảo đảm tính mới trong nghiên cứu của Luận án Tóm lại, đề tài Luận án “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước” là cần thiết, mang tính cấp thiết.
Trích: "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước"
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Luận án Tiến sĩ Luật học
Tác giả: Đỗ Tiến Dũng
Người hướng dẫn khoa học: PSG.TS. Nguyễn Văn Mạnh
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Comments