Trong thời gian qua, hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội dựa trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; mới đây Quốc hội đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật mới về hoạt động giám sát như: Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015,... và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Các văn bản quy phạm pháp luật này được ban hành nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết của Đảng về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong thời kỳ đổi mới và trên thực tế đã phát huy tác dụng, khẳng định vị trí, vai trò của giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Trên thực tế việc thực hiện pháp luật về giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội đã đạt được nhiều thành tựu. Qua giám sát và kết luận giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, qua đó góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là hoạt động giám sát của Quốc hội.
Trích: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam: Lý luận và thực tiễn
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Học viện Khoa học Xã hội
Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy
Người hướng dẫn khoa học: PSG.TS Nguyễn Minh Mẫn
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
留言