top of page

Quyền hưởng lợi ích của tiến bộ khoa học và ứng dụng của chúng

Điều 15 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (ICESCR) khẳng định mọi người có quyền hưởng lợi ích của tiến bộ khoa học và ứng dụng của chúng (The right to enjoy the benefits of scientific progress and its applications - REBSP). Trước đó quyền được chia sẻ các tiến bộ khoa học và lợi ích của chúng cũng được khẳng định bởi Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR). Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, khoa học và công nghệ ngày càng phát triển và đạt được các thành tựu vượt bậc, đồng thời quyền con người cũng ngày càng được quan tâm nhiều hơn, theo đó tầm quan trọng của REBSP ngày càng được khẳng định. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ dẫn đến thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày của cá nhân và xã hội. Tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học không chỉ cho phép cải thiện tình hình kinh tế - xã hội, mà còn mang đến những cơ hội tham gia đầy ý nghĩa vào cuộc sống cộng đồng, cả ở phạm vi khu vực, quốc gia và quốc tế. Hạn chế việc truy cập, thụ hưởng các tiến bộ khoa học có thể dẫn đến tình trạng trì trệ, kém phát triển. Việc hưởng REBSP có vai trò quan trọng trong việc khắc phục những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và xóa bỏ nghèo đói. Mặc dù tầm quan trọng của REBSP đã được khẳng định trong nhiều công trình nghiên cứu, nhưng trên thực tế REBSP thường bị các nhà nghiên cứu và các cộng đồng “bỏ rơi”, ít quan tâm so với các quyền con người khác. Pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia tuy có đề cập đến REBSP nhưng chưa cụ thể, đặc biệt là chưa xác định những cơ chế để bảo vệ và thúc đẩy quyền này. Là quốc gia thành viên của ICESCR từ năm 1982, quan điểm của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và khuyến khích mọi công dân tham gia nghiên cứu khoa học và bảo vệ quyền được hưởng thụ các lợi ích của tiến bộ khoa học của người dân. Quan điểm này đã được thể hiện qua các bản Hiến pháp từ 1980, 1992, 2013 và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, cũng nhưng nhiều quốc gia khác, khuôn khổ pháp luật về quyền này ở Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Ngay cả khái niệm REBSP vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhiều vấn đề mà giới học giả quốc tế đã thảo luận về quyền này vẫn chưa được phổ biến ở nước ta. Xuất phát từ bối cảnh kể trên, tác giả lựa chọn đề tài “Quyền hưởng lợi ích của tiến bộ khoa học và ứng dụng của chúng” để thực hiện luận văn thạc sĩ luật nhân quyền, với mong muốn góp phần làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn, pháp lý về quyền này ở trên thế giới và ở nước ta, từ đó gợi mở những đề xuất nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả REBSP ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trích: "Quyền hưởng lợi ích của tiến bộ khoa học và ứng dụng của chúng"

- Luận văn Thạc sĩ Luật học -Khoa luật - Đại học Quốc gia Hà Nội


Tác giả: Lê Thị Hằng Hà

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Ngô Huy Cương

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:



bottom of page