Theo các văn bản pháp luật trên thì các chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được thực hiện đối với người lao động khi mất việc trong các doanh nghiệp Nhà nước và sau này đã được mở rộng ra các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Ngoài ra, Nhà nước còn dành một khoản tiền lớn từ ngân sách để cho vay hỗ trợ việc làm với lãi suất ưu đãi, cùng với các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất khác nên hàng năm đã giải quyết được trên một triệu người có việc làm mới. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tình thế, tạm thời chưa giải quyết được những nội dung thuộc về bản chất của thất nghiệp. Vì vậy, Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Chủ trương đó được ghi trong Nghị quyết Trung ương 7 khoá VII của Đảng cộng sản Việt Nam; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng và trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX có nêu: “Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm đối với người lao động thất nghiệp”. Gần đây, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ghi rõ: “Khẩn trương bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội, ban hành chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng đóng góp”. Chủ trương này của Đảng đã được kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa X thể chế bằng việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Lao động, trong đó có qui định: “Chính phủ qui định cụ thể điều kiện và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, việc thành lập quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp”. Do vậy, việc nghiên cứu, ban hành chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn hiện nay là cần thiết và phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như quá trình sửa đổi, bổ sung pháp luật Lao động. Để đảm bảo cho người thất nghiệp có một khoản thu nhập bù đắp một phần đã mất do không có việc làm, để ổn định cuộc sống, tiếp tục tìm việc làm không chỉ là hoạt động về kinh tế - xã hội mà về mặt pháp lý còn là trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động và của chính bản thân người lao động. Ở nước ta, vấn đề này còn chưa được nghiên cứu đầy đủ nên đề tài : "Chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam" được nghiên cứu với mong muốn góp phần giải quyết yêu cầu thực tiễn về thất nghiệp, chống thất nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người bị thất nghiệp ở nước ta hiện nay.
Trích: Chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam
- Luận án Tiến sĩ Luật học - Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội
Tác giả: Lê Thị Hoài Thu
Người hướng dẫn khoa học: PGS. Nguyễn Hữu Viện - PGS. TS Phạm Công Trứ
Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm
Xem trực tiếp tại:
Commenti