Ở Việt Nam, nhận thức về ASXH, quyền ASXH ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đề ra quan điểm bảo đảm ASXH với một cấu trúc bao gồm: 1- Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; 2- Bảo hiểm xã hội; 3- Trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 4- Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và bảo đảm thông tin). Quan điểm này trở thành cơ sở nền tảng và định hướng cho việc thể chế hóa thành cơ chế, chính sách, pháp luật về ASXH gắn với thực tiễn trong những năm qua.
Vượt lên những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, diện bao phủ BHXH trong năm 2020 được mở rộng, với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến thời điểm 31/12/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 494 nghìn người, đạt 1,068 triệu người, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Con số trên đã thể hiện sự thành công, tuy nhiên, chỉ có khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện[1]. Số lượng người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn hạn chế, trong khi chính những lao động này lại chịu những thiệt hại do đợt đại dịch gây ra nhiều nhất. Trước tình hình đó, Việt Nam đã có hàng loạt các gói trợ giúp xã hội hướng tới người lao động gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch, trong đó hầu hết là người lao động khu vực kinh tế phi chính thức. Có thể thấy, việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cho khu vực này là một trong những mục tiêu hàng đầu. Nhằm đúc kết kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam có thể học tập trong quá trình nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho nhóm lao động khu vực trên, nhóm nghiên cứu chọn đề tài: “Pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia về an sinh xã hội cho người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”
Trích: "Pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia về an sinh xã hội cho người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam"
Đại học Luật Hà Nội - Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022
Giải Ba
Tác giả: Cao Tiến Đạt, Trần Thanh Thảo, Phùng Nguyễn Tú Uyên
Người hướng dẫn khoa học: ThS. Đoàn Xuân Trường
Comments